Tìm được mùi vị món ăn quê nhà tại nơi đất khách là niềm hạnh phúc. Hỏi người gốc Long Xuyên (An Giang) thèm gì, chắc cơm tấm Long Xuyên sẽ là một trong những món ăn cần phải nhắc tới.
Cơm tấm Long Xuyên bắt mắt, ngon miệng
Ai đã từng qua Long Xuyên, có lẽ sẽ một lần được giới thiệu món ăn “ruột” của vùng đất này. Khi cho một muỗng cơm tấm Long Xuyên vào miệng, điều đầu tiên khiến người thưởng thức cảm thấy món ăn này đặc biệt chính là độ tơi và ngọt đặc trưng của cơm.
So với cơm tấm những nơi khác, gạo tấm ở đây nhỏ và nhuyễn hơn. Thức ăn đi kèm cũng là yếu tố tạo nên sự bắt mắt, kích thích vị giác của người ăn.
Cơm tấm, bánh mì Sài Gòn… vào danh sách 121 món ẩm thực tiêu biểu
Cơm tấm Ba Ghiền được Michelin gọi tên, khách hàng tranh cãi, chủ quán nói gì?
Một vòng cơm tấm Long Xuyên ăn là ghiền
Phần cơm không sở hữu miếng thịt sườn, chả, trứng… to đẫy đà, bóng lưỡng lớp mỡ, thay vào đó là những sợi thịt khìa, trứng kho được cắt nhỏ phủ trên lớp cơm, bên cạnh là chả và bì.
Hương vị cuối cùng được phủ lên cả dĩa cơm chính là mỡ hành.
Ngoài điểm thêm sắc xanh, lớp mỡ hành còn tạo cho người ăn cảm giác béo nhẹ và hương thơm phảng phất.
Vài muỗng mỡ hành thôi nhưng nếu thiếu đi dễ khiến thực khách cảm thấy phần cơm trở nên khô khan.
Nước mắm ở đây khi so với Sài Gòn sẽ có độ sền sệt và thiên về vị mặn nhiều hơn. Cái mặn ấy không phải mặn một cách lạc quẻ, khó chịu mà chỉ khi ăn cả cơm, đồ ăn được chan nước mắm thì thực khách mới cảm nhận được đó là sự hòa quyện đậm đà.
Cứ thế, một đĩa cơm đơn sơ ở vùng sông nước miền Tây hết lôi kéo thị giác của thực khách qua vẻ ngoài bắt mắt, rồi lại kích thích mạnh mẽ cơn thèm của vị giác, sau đó để lại dư vị gây nên niềm nhớ.
Hương vị cũng phải “nhập gia tùy tục”
Ở Long Xuyên có hai quán cơm tấm Long Xuyên mà người dân địa phương khen nức nở, khách du lịch đến cũng “phải ăn ít nhất một lần”, đó là cơm tấm Tùng và cơm tấm Loan.
Có lẽ cả hai tiệm đều do chính người bản địa làm, nên hương vị và cách nêm nếm gần như giống nhau với mức giá từ 35.000 đồng.
Vậy còn ở Sài Gòn, có những địa chỉ nào mà bà con ghiền cơm tấm Long Xuyên có thể tìm đến?
Tiệm Bếp cô Linh
Nằm trên đường Phan Văn Trị (TP.HCM), Bếp cô Linh là một trong những cái tên xuất hiện đầu kết quả tìm kiếm khi tra cơm tấm Long Xuyên ở Sài Gòn.
Bếp cô Linh được xem là một trong những tiệm bán cơm tấm Long Xuyên gần với nguyên bản – Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG
Thoạt nhìn qua, thực khách ấn tượng vì cách bài trí món ăn của quán gần như giống với đĩa cơm “chính hiệu”, cũng là phần thịt và trứng được cắt nhỏ và xếp đầy ụ trên đĩa, bên cạnh là miếng chả thơm béo.
Nhưng nếu so với đĩa cơm chuẩn thì thịt khìa còn hơi nhạt và khô. Trong khi đó tại quán cơm Tùng và quán cơm Loan ở Long Xuyên, phần thịt mềm mềm với cách nêm nếm có vị mặn nhẹ.
Phần cơm ở đây được nấu từ những hạt gạo gãy đôi, gãy ba có phần tơi và xốp theo cách nấu địa phương.
Lớp mỡ hành không mang lại hương thơm rõ ràng như trải nghiệm của người ăn tại quán cơm bản địa, nhưng tóp mỡ được thắng vừa tới, giòn giòn là một trong những điểm cộng lớn của tiệm.
Tiệm cơm tấm Cây Điệp
Đây cũng là một trong những quán mà nhiều người tìm đến để trải nghiệm món cơm tấm miền Tây.
Đồ ăn kèm mặc dù được cắt nhỏ giống bản gốc, nhưng độ phủ đầy vẫn ít hơn quán cơm Long Xuyên địa phương và các quán khác ở Sài Gòn.
Tiệm cơm tấm Cây Điệp cũng là một trong những sự chọn lựa để thưởng thức cơm tấm Long Xuyên – Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG
Về phần thịt khìa, nếu như người miền Tây đã quen thưởng thức thịt với vị mặn nhè nhẹ thì thịt được quán nêm hơi hướng về vị ngọt nhiều hơn.
Hạt cơm tại quán cơm tấm Cây Điệp chiếm một điểm cộng lớn khi vừa đáp ứng độ tơi, xốp của nguyên bản mà không bị khô.
Điểm trừ chung của cả hai quán chính là nước mắm. Tuy có phần sền sệt nhưng mùi vị nước mắm tại hai tiệm đã có sự điều chỉnh đáng kể.
Thay vì hướng về vị mặn thì giờ đây thực khách lại nghe vị ngọt chiếm phần hơn trong miệng, gần giống với nước mắm của cơm tấm Sài Gòn.
Có lẽ vì “nhập gia tùy tục” nên việc cân chỉnh trong cách nêm nếm, chế biến đôi khi là điều cần thiết.
Để một món ăn xứ lạ du nhập vào Sài Gòn và được đón nhận là điều không dễ dàng.
Thế nhưng món cơm tấm từ miệt An Giang đã lưu lại được nỗi nhớ trong lòng người dân thành phố, khiến lâu lâu họ phải lục tìm quán cơm tấm Long Xuyên để ăn cho đã thèm.
Hàng chục món ăn đặc sản tỉnh An Giang như bún cá Châu Đốc, cơm bò Phú Hiệp, gà đốt Ô Thum được sáng tạo độc đáo thành mã QR nhờ vào AI.
Bình luận gần đây